Học sinh sinh viên không nên sử dụng AI trong quá trình học tập.
Học sinh sinh viên không nên sử dụng AI trong quá trình học tập.

Sử dụng AI trong học tập: Học sinh, sinh viên không nên dùng AI

Chào các bạn, tôi là Lucas đây! Rất vui được gặp lại mọi người trên blog cá nhân của mình sau một thời gian.

Tôi muốn nhấn mạnh ngay từ đầu: Tôi hoàn toàn chào đón sự phát triển của AI, không hề phản đối việc các bạn sử dụng nó. AI là công cụ mạnh mẽ, với xu hướng phát triển khó có thể bị đảo ngược. Tôi cũng sử dụng AI rất nhiều trong công việc hàng ngày. Nhưng có những việc, kết quả tốt nhất chỉ đến khi chúng ta không sử dụng công cụ này. Và đặc biệt trong số đó, theo quan điểm của tôi, chính là hãy không sử dụng AI trong học tập.

Để thạo việc, ta cần mười nghìn giờ rèn luyện. Điều không hay là một vài công cụ đã vô tình cướp đi thời giờ vàng ngọc đó của ta. Điều tồi tệ nhất là ta đã cố tình tiếp tay cho chúng.

– Lucas

Trong bài viết này, Lucas sẽ cùng các bạn đi sâu lý giải tại sao tôi lại đưa ra lời khuyên tưởng chừng như “ngược đời” này nhé.

AI – Công cụ mạnh mẽ của thời đại (mà tôi là một người dùng nhiệt thành)

Không ai trong chúng ta có thể phủ nhận rằng Trí tuệ Nhân tạo đang làm thay đổi thế giới với tốc độ chóng mặt. AI không còn là câu chuyện của tương lai xa xôi nữa, nó đã và đang len lỏi vào mọi mặt của cuộc sống và công việc của chúng ta.

Sức mạnh và sự phổ biến của Trí tuệ Nhân tạo

Giống như việc chuyển từ chiếc điện thoại “cục gạch” chỉ để nghe gọi sang chiếc smartphone đầy quyền năng, AI – trí tuệ nhân tạo đang tạo ra một cuộc cách mạng tương tự, thậm chí còn mạnh mẽ hơn. Nó giúp tự động hóa các tác vụ lặp đi lặp lại, phân tích dữ liệu khổng lồ trong chớp mắt, sáng tạo nội dung, và còn rất nhiều ứng dụng khác nữa.

AI đã trở thành một xu hướng tất yếu. Dù bạn làm gì, ở đâu, sớm muộn gì bạn cũng sẽ tiếp xúc và làm việc với nó. Chống lại nó là điều không thể, và cũng không nên. Lucas cũng không là ngoại lệ.

Lucas ứng dụng AI trong công việc như thế nào?

Với vai trò là một lập trình viên và đã từng quản lý các đội ngũ kỹ thuật, tôi sử dụng AI hàng ngày như một trợ thủ đắc lực. Từ việc gợi ý code, debug, review code, tìm kiếm thông tin, phân tích tài liệu, lên ý tưởng… AI giúp tôi giải quyết công việc nhanh hơn rất nhiều. Phải nói thật là năng suất của tôi có thể tăng lên gấp 2, thậm chí 3 lần nhờ biết cách ứng dụng AI phù hợp.

Khi tôi nói về mức tăng năng suất gấp 2, 3 lần này, có lẽ nhiều bạn sẽ “cười khẩy” và nghĩ: “Ông này sử dụng AI còn ‘gà’ quá!”. Tôi hoàn toàn không phản đối suy nghĩ đó đâu nhé. Bởi lẽ, tùy theo mức độ “phụ thuộc” và các “nguyên tắc” sử dụng AI khác nhau mà khối lượng và loại hình công việc mỗi người có thể hoàn thành sẽ rất khác nhau.

Tuy nhiên, có một điều cực kỳ quan trọng ở đây: Việc tôi sử dụng AI hiệu quả trong công việc là bởi vì tôi có đủ nền tảng kiến thức và kinh nghiệm cần thiết để làm chủ những gì mình yêu cầu AI và quan trọng nhất là phê duyệt kết quả AI mang lại. Tôi biết mình đang làm gì, tôi hiểu ngữ cảnh bài toán, tôi có khả năng kiểm tra và đánh giá tính đúng đắn, phù hợp của output từ AI.

Và đây chính là lúc chúng ta cần phải đặc biệt tỉnh táo. Bởi vì “biết sử dụng AI đúng cách” với “sử dụng AI đúng cách” là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Rất nhiều khi, sự tiện lợi của AI khiến chúng ta vô tình hoặc hữu ý, bỏ qua chữ “biết” kia. Đó là cái “bẫy” mà AI giăng ra, thông thường nó là viên kẹo rất đỗi ngọt ngào, nhưng một lúc nào đó nó trở thành thuốc độc “chết người”.

“Cái bẫy” mang tên AI: Tiện ích nào cũng có mặt trái của nó

Dù AI mang lại tiện ích khổng lồ, mọi công cụ mạnh mẽ đều có mặt trái nếu không được sử dụng cẩn trọng và đúng mục đích.

Sử dụng AI sai mục đích – Nguy hiểm tiềm tàng ở mọi nơi

Việc lạm dụng hoặc dùng AI sai cách có thể dẫn đến những hậu quả khó lường. Nó không chỉ khiến công việc kém hiệu quả, tạo ra lỗi sai nghiêm trọng, mà còn có thể làm suy thoái các kỹ năng cần thiết của chính người sử dụng. Điều này đúng trong nhiều lĩnh vực, và đặc biệt nguy hiểm khi áp dụng vào quá trình học tập.

Vì sao học tập là lĩnh vực đặc biệt “nhạy cảm” với việc lạm dụng AI?

Hãy phân biệt rõ ràng: Việc dùng AI như một công cụ hỗ trợ cho người đã có nền tảng kiến thức vững chắc (như tôi dùng trong công việc) khác xa với việc dùng AI như một lối tắt khi bạn đang trong quá trình xây dựng nền tảng kiến thức cho bản thân.

Học tập là quá trình xây dựng “cái gốc”, là giai đoạn rèn luyện tư duy, khả năng giải quyết vấn đề một cách độc lập. Việc dựa dẫm vào AI trong giai đoạn này giống như việc xây nhà mà không đào móng kỹ vậy.

Những tác hại của việc sử dụng AI trong học tập

AI tốt cho rất nhiều việc, ngoại trừ việc học. Vấn đề không phải là không có cách sử dụng AI đúng. Mà là bộ não của con người lại thường không đi đúng cách đó.

Hiệu ứng “Mì ăn liền”: Suy giảm khả năng tập trung và tư duy sâu

Việc tìm kiếm câu trả lời từ AI giống như việc chúng ta lướt các video ngắn trên mạng xã hội vậy. Nó mang lại thông tin (hoặc giải trí) tức thời, dễ dàng, không đòi hỏi sự kiên nhẫn hay nỗ lực. Tuy nhiên, tác hại dễ thấy nhất của short videos là làm giảm khả năng tập trung sâu của chúng ta.

AI cũng vậy. Nhận được câu trả lời nhanh chóng từ AI có thể làm giảm động lực và khả năng kiên nhẫn cần thiết để tìm hiểu sâu, đào sâu vấn đề, đọc những tài liệu dài, phức tạp. Đây là điều tối kỵ đối với việc học tập, đặc biệt là trong nghiên cứu khoa học hay các ngành đòi hỏi tư duy logic chặt chẽ như công nghệ thông tin.

Hổng kiến thức nền tảng và đánh mất tư duy phản biện

Khi AI đưa ra kết quả, bản năng tiện lợi thường khiến chúng ta chấp nhận ngay mà bỏ qua quá trình tự mình phân tích, đánh giá, kết nối kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau. Chính quá trình mày mò, suy ngẫm, đôi khi là thất bại đó, mới là thứ giúp chúng ta xây dựng nên nền tảng kiến thức vững chắc, hiểu rõ “tại sao” chứ không chỉ “cái gì”, và hình thành tư duy phản biện độc lập. Dựa dẫm vào AI sẽ tước đi cơ hội quý báu này của bạn.

“Thui chột” kỹ năng diễn đạt và viết lách

Các mô hình AI tạo sinh (Generative AI) có thể viết những đoạn văn, bài luận nghe rất “kêu” và trôi chảy. Khi đọc sản phẩm của AI, bạn có thể cảm thấy “ồ, tuyệt quá, mình cũng có thể viết được như thế này!”. Đó là một ảo giác nguy hiểm. Giống như khi xem các video ngắn, bạn tưởng là mình đã “nạp được” rất nhiều kiến thức, nhưng khi có ai đó hỏi bạn về một vấn đề, bạn mới nhận ra mình gần như chẳng nhớ gì.

Khả năng diễn đạt ý tưởng, sắp xếp logic, sử dụng ngôn từ một cách hiệu quả là một kỹ năng cực kỳ quan trọng trong bất kỳ ngành nghề nào. Kỹ năng này cần được rèn luyện qua việc tự mình suy nghĩ và viết đi viết lại, chứ không thể “đi mượn” từ AI. Nếu không tự rèn luyện, kỹ năng viết lách của bạn sẽ dần bị “thui chột”.

Ranh giới sử dụng AI: Bài học từ thế giới làm việc chuyên nghiệp

Ngay cả trong môi trường làm việc mà tôi sử dụng AI hàng ngày để tăng năng suất, vẫn có những “ranh giới đỏ” mà tôi (và cả những người đồng nghiệp có kinh nghiệm) luôn tuân thủ. Đó là những công việc bắt buộc bạn phải tự thân vận động để đảm bảo sự hiểu biết sâu sắc.

Những công việc đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc “tận gốc” (Ví dụ trong Lập trình)

Trong quy trình phát triển phần mềm, có những việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại cực kỳ quan trọng đối với sự “thấm” kiến thức và sự chuyên nghiệp của một developer. Ví dụ như:

Tự mô tả lại công việc/task mình đang làm: Khi bạn phải viết một đoạn miêu tả rõ ràng về task của mình cho người khác đọc (trong báo cáo, trong ticket hệ thống…), bạn buộc phải hệ thống hóa lại những gì mình đã làm, những vấn đề gặp phải, cách giải quyết.

Tự viết checklist ảnh hưởng của task: Khi thay đổi một phần code, bạn cần liệt kê ra những tính năng khác có thể bị ảnh hưởng. Việc này đòi hỏi bạn phải hiểu rất rõ cấu trúc tổng thể của hệ thống, mối liên hệ giữa các phần.

Tại sao không thể (hoặc không nên) dựa dẫm vào AI cho những việc này?

Đây chính là cách để bạn tự buộc mình phải suy nghĩ, phải kết nối các mảnh ghép kiến thức lại với nhau. Việc tự làm những việc này đảm bảo rằng bạn thực sự hiểu rõ mã nguồn, hiểu rõ luồng xử lý mà bạn (hoặc thậm chí là AI) đã tạo ra. Nó giúp bạn phát hiện ra những “góc khuất”, những lỗi tiềm ẩn mà việc chỉ đọc lướt qua output của AI có thể bỏ sót. Nắm vững kiến thức và tránh phụ thuộc mù quáng chính là mục tiêu ở đây.

Nguyên tắc “sống còn” khi làm việc với AI (Cách sử dụng AI của Lucas)

Từ kinh nghiệm của mình, tôi có một vài nguyên tắc “sống còn” khi làm việc với AI, và tôi nghĩ những nguyên tắc này cũng là lý do tại sao tôi khuyên các bạn học sinh, sinh viên nên hạn chế sử dụng AI trong học tập.

Luôn là người “duyệt” cuối cùng: Cảnh giác cao độ và không đặt niềm tin tuyệt đối

Như đã nói, việc tôi dùng AI hiệu quả trong công việc là nhờ có nền tảng kiến thức để đánh giá output của nó. Tôi luôn đọc kỹ, hiểu rõ kết quả AI mang lại, đặc biệt là những chi tiết mới hoặc những phần code mà AI gợi ý. Luôn giữ thái độ cảnh giác với sự chủ quan, không bao giờ đặt niềm tin tuyệt đối vào máy móc. AI là công cụ, không phải là chuyên gia thay thế bạn.

Dùng AI có trách nhiệm không hề làm bạn “nhàn” hơn

Có quan niệm cho rằng AI sẽ “giải phóng sức lao động” và giúp chúng ta “nhàn” hơn. Trong tương lai xa thì chưa biết, nhưng ở hiện tại, những người sử dụng AI có trách nhiệm thực sự không hề cảm thấy đỡ mệt hơn. Việc phải viết prompt (câu lệnh) cho AI một cách đúng cách để nó hiểu ý mình thì mệt một, nhưng xét duyệt, kiểm tra, điều chỉnh các kết quả mà AI mang lại một cách có trách nhiệm thì mệt mười. Chúng ta cũng sẽ mất nhiều thời gian và công sức.

Nó giống như mối quan hệ giữa một người leader và các developers trong đội vậy. Trước đây, một leader quản lý 10 developers và review code của họ đã đủ “đau đầu” rồi. Ngày nay, AI giúp khối lượng công việc hoàn thành bởi mỗi cá nhân tăng lên đáng kể (ví dụ, tương đương làm việc của 30 người trước khi có AI). Nhưng bản chất công sức mà người leader (người dùng AI) bỏ ra để kiểm soát, đảm bảo chất lượng cho khối lượng công việc “nhân lên” đó không hề giảm đi, thậm chí còn đòi hỏi sự tỉnh táo và tập trung cao độ hơn.

Tỉnh thức về mục đích sử dụng AI cho các tình huống cụ thể

Đây là điểm mấu chốt phân biệt giữa sử dụng AI trong công việc và sử dụng AI trong học tập:

Khi dùng AI để làm việc, mục đích chính là tăng năng suất. Chúng ta có thể chấp nhận kết quả của AI nhanh hơn, ít phản biện hơn (vì đã có nền tảng kiến thức để đánh giá nhanh). Đôi khi là chấp nhận copy nếu phần việc đó là thông thường, đơn giản, không có nhiều điểm nhạy cảm.

Trái lại, khi sử dụng AI trong học tập, mục đích chính là nạp kiến thức, là xây dựng nền tảng tư duy. Lúc này, bạn luôn phải đọc kỹ, hiểu kỹ từng chi tiết, và phản biện lại kết quả AI đưa ra, đối chiếu với các nguồn khác.

Nếu không có sự tỉnh thức này, bạn sẽ dễ dàng rơi vào bẫy “tăng năng suất” trong khi mục tiêu thực sự của việc học hành là “nạp kiến thức”, và như vậy là đi sai đường.

Kết luận: Lời khuyên “trái tai” nhưng hết sức chân thành

Qua những chia sẻ trên, Lucas hy vọng các bạn đã phần nào hiểu được lý do tại sao tôi lại đưa ra lời khuyên tưởng chừng như “ngược đời” ngay từ đầu bài viết. AI là công cụ mạnh mẽ của thời đại, nhưng học tập là quá trình xây dựng nền tảng kiến thức và tư duy cho chính bản thân mình.

Lời khuyên “Học sinh, sinh viên tốt nhất là các bạn đừng dùng AI trong học tập” là để nhấn mạnh tầm quan trọng tột bậc của việc tự thân rèn luyện tư duy và các kỹ năng cốt lõi trong giai đoạn quan trọng này của cuộc đời.

Hãy thành thật với chính mình. Việc lạm dụng AI trong học tập giống như xem short videos vậy. Bạn có lý trí, bạn tự nhủ chỉ xem 10 phút thôi rồi nghỉ để học bài. Nhưng, đã có bao nhiêu lần bạn xem đúng 10 phút rồi nghỉ thật? Sự hấp dẫn của nội dung tức thời khiến bạn khó cưỡng lại và cứ lún sâu vào.

Dùng AI để giải bài tập, để tra cứu, để viết bài luận cũng vậy. Bạn có lý trí, bạn kêu AI viết giùm bài luận, bạn tự nhủ mình sẽ đọc lại bài luận thật kỹ, sẽ đọc từng câu từng chữ, sẽ kiểm tra lại thông tin. Nhưng thực tế có diễn ra như vậy không? Hay kịch bản thường gặp của bạn là “ồ AI viết hay quá“, “trôi chảy mạch lạc thế này“, “còn gì phải chỉnh nữa“, “copy luôn cho nhanh, nhà còn bao việc“?

Đó chính là lý do, Lucas dù biết rằng trong môi trường hiện tại rất khó để nói “không” với AI. Nhưng lời khuyên chân thành nhất dành cho các bạn học sinh, sinh viên là: Tốt nhất là các bạn đừng sử dụng AI trong học tập. Hãy để giai đoạn này là lúc các bạn tự mình mài giũa khối óc, xây dựng nền tảng vững chắc. AI sẽ là công cụ tuyệt vời khi bạn đã có đủ khả năng làm chủ nó trong công việc sau này.

Để lại phản hồi

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *