Mentor là ai? Giúp gì cho bạn?

Mentor là ai? Vai trò của Mentor cực kì quan trọng đối với lập trình viên mới vào nghề như thế nào?

Sau bài viết về “Cỗ máy biết sáng tạo”, hôm nay chúng ta sẽ chuyển sang một chủ đề mà mình tin rằng sẽ cực kỳ hữu ích cho những bạn đang bắt đầu hoặc chập chững bước đi trên con đường trở thành một lập trình viên: vai trò của một người Mentor.

Khi mình mới vào nghề cách đây hơn 20 năm, khái niệm “mentor” chưa thực sự phổ biến và rõ ràng như bây giờ. Hồi đó, chủ yếu là tự mày mò, học hỏi từ sách vở, tài liệu (thời đó tài liệu tiếng Việt cũng còn hạn chế nhiều), và đôi khi là từ những đồng nghiệp đi trước trong công ty. Nhìn lại chặng đường đã qua, mình nhận ra rằng nếu có một người mentor đúng nghĩa dẫn dắt ngay từ đầu, mọi thứ có thể đã khác đi rất nhiều.

Nếu có một người mentor chỉ dẫn, Lucas có thể khẳng định bản thân sẽ không mất đến 10 năm để có được trình độ và kinh nghiệm (của 20 năm) như bây giờ.

– Lucas

Mục lục

Mentor là ai và tại sao họ lại quan trọng?

Trước tiên, chúng ta cùng làm rõ một chút về “mentor”. Ai là mentor và tại sao sự hiện diện của họ lại quan trọng đến vậy trong sự nghiệp của một người?

Nuối tiếc của Lucas là đã không tìm mentor trong buổi đầu sự nghiệp

Mình vẫn còn nhớ những ngày đầu đầy bỡ ngỡ. Có những vấn đề kỹ thuật tưởng chừng đơn giản nhưng lại loay hoay mất cả ngày trời không ra, chỉ vì thiếu một người có kinh nghiệm chỉ điểm. Hay có những lúc đứng trước các lựa chọn công nghệ, không biết nên đi theo hướng nào là phù hợp với bản thân và mục tiêu sự nghiệp. Lẽ ra, chỉ cần một vài lời khuyên từ người đi trước, mình đã có thể tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức và tránh được những ngõ cụt không đáng có. Đây là một trong những nuối tiếc lớn nhất trong giai đoạn đầu sự nghiệp của mình – đã không chủ động tìm kiếm và kết nối với một người mentor.

Định nghĩa ngắn gọn về Mentor

Vậy mentor là ai? Hiểu một cách đơn giản trong bối cảnh nghề nghiệp, mentor là một người có kinh nghiệm, có kiến thức đủ sâu và rộng trong lĩnh vực của họ, sẵn sàng chia sẻ, hướng dẫn và đưa ra lời khuyên cho một người ít kinh nghiệm hơn (mentee). Mối quan hệ mentor – mentee thường dựa trên sự tin tưởng, tôn trọng và mong muốn phát triển của cả hai bên.

Messi hay Ronaldo cũng cần có huấn luyện viên

Bạn có thể hình dung vai trò của mentor giống như một huấn luyện viên trong thể thao vậy. Một vận động viên giỏi đến mấy cũng cần huấn luyện viên để chỉ ra điểm mạnh, điểm yếu, xây dựng chiến lược tập luyện phù hợp, uốn nắn kỹ thuật, giữ lửa động lực và chuẩn bị tâm lý cho các cuộc thi đấu. Mentor cũng làm điều tương tự cho sự nghiệp của bạn – họ không đá thay bạn, nhưng họ giúp bạn tập luyện đúng cách, nhìn ra con đường và phát huy tối đa tiềm năng của bản thân.

Tầm quan trọng của Mentor trong quá trình phát triển sự nghiệp

Vai trò của mentor quan trọng không chỉ riêng trong ngành IT. Dù bạn làm bất kỳ nghề gì, có một người đi trước dẫn dắt, chia sẻ kinh nghiệm luôn là một lợi thế lớn. Họ giúp bạn mở rộng góc nhìn, hiểu rõ hơn về ngành nghề, và có thêm sự tự tin để tiến bước. Đó là một mối quan hệ win-win, mentor cũng học được nhiều điều từ mentee qua quá trình chia sẻ và nhìn lại kiến thức của mình.

Tại sao Mentor cực kì quan trọng với Developer mới vào nghề?

Nếu vai trò của mentor quan trọng cho các ngành nghề nói chung bao nhiêu, thì họ lại cực kì quan trọng với lập trình viên mới vào nghề bấy nhiêu. Nếu không có Mentor, lập trình viên sẽ gặp rất nhiều vấn đề, chủ yếu là mất nhiều thời gian hơn cần thiết để đạt được mục tiêu nào đó. Một vài vấn đề có thể liệt kê ra sau đây:

Mất thời gian thử và sai khi phải bỡ ngỡ đối mặt với “biển kiến thức” CNTT

Ngành công nghệ thông tin nói chung và lập trình nói riêng có một “biển kiến thức” khổng lồ và luôn thay đổi. Framework mới, ngôn ngữ mới, công cụ mới ra đời mỗi ngày. Với người mới, việc này dễ gây choáng ngợp. Không biết bắt đầu từ đâu, học cái gì trước, cái gì sau, tài liệu nào đáng tin cậy… Sự bỡ ngỡ ban đầu có thể khiến nhiều bạn nản lòng hoặc đi sai đường.

Mất thời gian đi đi lại lại chỉ vì định hướng sai

Thiếu mentor hướng dẫn, lập trình viên mới vào nghề rất dễ học lan man, chạy theo các xu hướng nhất thời mà bỏ qua kiến thức nền tảng quan trọng. Hoặc có thể học một công nghệ nhưng không hiểu rõ ứng dụng thực tế của nó, dẫn đến học xong vẫn thấy mơ hồ. Một mentor có thể giúp bạn “lọc nhiễu”, tập trung vào những kiến thức cốt lõi cần thiết và vạch ra một lộ trình học tập hiệu quả hơn nhiều.

Vì vậy, bạn cần người “đỡ đầu” để tránh mất thời gian vô ích

Giống như việc tập đi xe đạp, có người giữ cho bạn sẽ đi nhanh hơn và ít bị ngã hơn là tự tập một mình. Mentor chính là người “đỡ đầu” như vậy. Họ dùng kinh nghiệm của mình để giúp bạn tránh những sai lầm phổ biến mà người mới hay mắc phải, chia sẻ những “mẹo” hay “thủ thuật” không có trong sách giáo trình, và giúp bạn “tăng tốc” đáng kể trong quá trình học và làm.

Mentor cụ thể sẽ giúp bạn những việc gì?

Ok, vậy mentor có thể giúp bạn làm những gì một cách chi tiết?

Hướng dẫn về kiến thức và kỹ năng chuyên môn

Mentor có thể giúp bạn hiểu sâu hơn về một khái niệm kỹ thuật phức tạp, gợi ý các tài liệu học tập chất lượng, hướng dẫn bạn thực hành trên các dự án nhỏ, hoặc thậm chí là review code và đưa ra phản hồi giúp bạn cải thiện chất lượng code của mình. Khi có một mentor phù hợp, họ sẽ giúp bạn xây dựng một lộ trình học tập rõ ràng, từ kiến thức cơ bản vững chắc đến việc nắm bắt các khái niệm nâng cao một cách có hệ thống.

Chia sẻ kinh nghiệm thực tế và “luật chơi” trong ngành

Thế giới đi làm khác nhiều so với trên ghế nhà trường. Mentor có thể chia sẻ về văn hóa làm việc ở các công ty, cách làm việc nhóm hiệu quả, cách giao tiếp với các bộ phận khác (như PM, BA, QC…), hay đơn giản là những kinh nghiệm “xương máu” khi đối mặt với các deadline căng thẳng hoặc những bug khó nhằn.

Giúp định hướng sự nghiệp và đặt mục tiêu

Bạn đang băn khoăn không biết nên theo mảng Frontend, Backend, Mobile hay Data? Bạn muốn trở thành chuyên gia hay nhà quản lý? Bạn có phù hợp với con đường kỹ thuật khô khan hay sẽ phù hợp hơn nếu đổi chiến lược để trở thành QC, BA, DA? Mentor có thể giúp bạn phân tích điểm mạnh, điểm yếu, hiểu rõ hơn về các con đường sự nghiệp khác nhau và cùng bạn đặt ra những mục tiêu phù hợp, khả thi.

Xây dựng sự tự tin và vượt qua khó khăn

Những người mới thường thiếu tự tin và dễ nản khi gặp khó khăn. Có một mentor sẵn sàng lắng nghe, động viên, và chỉ cho bạn thấy rằng vấp ngã là chuyện bình thường sẽ giúp bạn có thêm sức mạnh để đứng dậy và tiếp tục cố gắng. Họ tin tưởng vào tiềm năng của bạn khi đôi khi chính bạn còn chưa thấy điều đó.

Khi nào cần tìm Mentor và nền tìm một Mentor như thế nào?

Vậy đâu là thời điểm thích hợp để tìm mentor và làm sao để kết nối với họ?

Thời điểm lý tưởng để tìm Mentor

Theo Lucas, thời điểm lý tưởng nhất để tìm mentor là càng sớm càng tốt, ngay từ khi bạn bắt đầu nghiêm túc tìm hiểu về nghề lập trình viên, hoặc khi bạn vừa chân ướt chân ráo bước vào môi trường làm việc chuyên nghiệp đầu tiên. Tuy nhiên, không bao giờ là quá muộn để tìm một người đồng hành trên con đường phát triển sự nghiệp của bạn. Mặc dù vậy, bạn chỉ nên bắt đầu tìm mentor khi bạn thực sự quyết tâm. Vì mentor chỉ là người hướng dẫn. Mọi nỗ lực và công sức cần bỏ ra đều là của bạn. Nếu bạn không quyết tâm, thì dù người mentor có giỏi đến đâu đi nữa, sự hướng dẫn của họ cũng sẽ không có tác dụng gì cả.

Những cách phổ biến để tìm Mentor

Có nhiều cách để tìm một người mentor tiềm năng:

  • Trong công ty: Đây thường là nguồn tốt nhất. Hãy tìm những đồng nghiệp có kinh nghiệm mà bạn ngưỡng mộ và chủ động đề nghị được học hỏi.
  • Cộng đồng: Tham gia các cộng đồng lập trình viên online (diễn đàn, group Facebook, Discord…) hoặc offline (meetup, hội thảo). Tích cực hoạt động, đặt câu hỏi thông minh và kết nối với những người đi trước.
  • Các chương trình Mentorship: Một số công ty hoặc tổ chức có các chương trình mentorship chính thức, hãy tìm hiểu và tham gia nếu có cơ hội.
  • Kết nối cá nhân: Đừng ngại ngỏ lời với những người bạn biết, những người bạn follow trên mạng xã hội mà bạn thấy có nhiều kinh nghiệm và phù hợp.

Hình thức Mentor

Không phải mentor nào cũng giống nhau. Họ có thể hỗ trợ bạn theo những cách khác nhau tùy thuộc vào kinh nghiệm, thời gian và phong cách của họ.

Phân loại Mentor theo mức độ hướng dẫn

Có thể tạm chia mentor thành hai nhóm chính dựa trên cách họ hướng dẫn:

  • Mentor thực chiến (Hands-on Mentor): Thường là người có kinh nghiệm sâu về kỹ thuật, sẵn sàng đi sâu vào code của bạn, review từng dòng, chỉ ra cụ thể chỗ cần cải thiện. Rất hữu ích khi bạn cần học một kỹ năng kỹ thuật cụ thể hoặc làm quen với môi trường codebase mới.
  • Mentor định hướng (High-level Mentor): Thường là người có kinh nghiệm rộng hơn, có thể là các Tech Lead, Engineering Manager, hoặc CTO. Họ tập trung vào việc định hướng con đường sự nghiệp, giúp bạn phát triển tư duy giải quyết vấn đề ở cấp độ cao, chia sẻ kinh nghiệm lãnh đạo hoặc quản lý dự án.

Ưu và nhược điểm của từng kiểu Mentor

Mentor thực chiến, người có thể giúp bạn cải thiện kỹ năng kỹ thuật nhanh chóng, nhưng họ có thể bị giới hạn ở góc nhìn tổng quan.

Mentor định hướng giúp bạn có cái nhìn chiến lược, nhưng sẽ phó mặc việc thực hành cho bạn, họ sẽ không đi sâu vào các vấn đề code cụ thể.

Tùy thuộc vào khả năng tiếp thu, trình độ hiện tại, và mục tiêu của bạn, bạn có thể xem xét cần một hoặc cả hai kiểu mentor này.

Đánh giá Mentor

Không phải ai tự xưng là mentor cũng phù hợp với bạn. Việc đánh giá kỹ lưỡng là rất quan trọng để tìm được người đồng hành chất lượng.

Dấu hiệu nhận biết mentor giỏi

Một người mentor giỏi thường có những đặc điểm sau:

  • Lắng nghe cẩn thận và thấu hiểu: Họ thực sự quan tâm đến băn khoăn, mục tiêu và hoàn cảnh của bạn.
  • Nhiệt tình chia sẻ: Họ hào hứng truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm mà không giữ lại.
  • Kinh nghiệm phù hợp: Lĩnh vực chuyên môn hoặc con đường sự nghiệp của họ phù hợp với điều bạn đang tìm kiếm.
  • Tôn trọng: Họ tôn trọng quá trình học hỏi, những câu hỏi (dù ngây ngô) và sai lầm của bạn.
  • Phản hồi mang tính xây dựng: Họ đưa ra feedback cụ thể, chỉ rõ điểm mạnh, điểm yếu và cách cải thiện, thay vì chỉ trích chung chung.
  • Khuyến khích và truyền động lực: Họ giúp bạn nhìn nhận vấn đề một cách tích cực và giữ vững tinh thần.
  • Chân thành và đáng tin cậy: Bạn cảm thấy thoải mái khi chia sẻ những khó khăn và thử thách thật sự.
  • Có thời gian: Họ sắp xếp được thời gian hợp lý để dành cho việc mentor một cách đều đặn.

Những kiểu Mentor bạn nên cân nhắc lại

Ngược lại, bạn nên cẩn trọng với những người có dấu hiệu sau:

  • Thiếu kinh nghiệm thực tế hoặc kiến thức của họ đã lạc hậu.
  • Không có thời gian hoặc thường xuyên hủy/trì hoãn các buổi hẹn.
  • Thiếu nhiệt tình, trả lời qua loa hoặc không thực sự lắng nghe.
  • Chỉ trích gay gắt, làm giảm sự tự tin của bạn.
  • Đưa ra lời khuyên chung chung, không áp dụng được vào trường hợp cụ thể của bạn.
  • Chỉ muốn nói về bản thân mà không tập trung vào nhu cầu của bạn.

Chi phí dành cho Mentor

Một câu hỏi tế nhị nhưng rất cần được làm rõ. Nếu bạn là người chi li, bạn có thể lập một bảng tính dựa trên các tham số chi phí đầu tư nào đó dành cho mentor, bạn có thể nhanh chóng đạt được đẳng cấp trình độ mong muốn nọ kia và có được mức lương tương ứng thế đó. Quan trọng nhất là thời gian bạn tiết kiệm được, điều này thậm chí còn đáng giá hơn nhiều so với mức thu nhập.

Không có gì là miễn phí

Ngay cả khi mentor của bạn là một người bạn thân, một đồng nghiệp tốt bụng, thì thời gian và công sức họ dành cho bạn vẫn là một sự trao đổi giá trị. “Miễn phí” ở đây có thể là sự quý mến, tôn trọng, hoặc đơn giản là họ tìm thấy niềm vui trong việc chia sẻ và giúp đỡ người khác. Điều quan trọng là bạn cần trân trọng thời gian và kinh nghiệm của họ, đừng xem đó là điều hiển nhiên.

Mắc hay rẻ là do bạn

Chi phí cho mentor có thể rất khác nhau, từ hoàn toàn miễn phí (trong các mối quan hệ cá nhân, cộng đồng) đến có phí (trong các chương trình mentor chuyên nghiệp). Quan trọng là bạn đánh giá “mắc” hay “rẻ” dựa trên giá trị bạn nhận được. Nếu sự hướng dẫn từ mentor giúp bạn tiến bộ nhanh hơn, tránh được những sai lầm lớn (có thể tốn kém nhiều tiền bạc và thời gian để sửa chữa), có định hướng rõ ràng hơn, thì khoản đầu tư (dù là tiền bạc hay công sức xây dựng mối quan hệ) đó là hoàn toàn xứng đáng.

Chỉ cần có lời, đừng ngại đầu tư

Đừng ngại đầu tư cho việc tìm một người mentor quan trọng đối với sự phát triển của bạn. Nếu bạn đã tìm hiểu kỹ, đánh giá được người mentor tiềm năng có thể thực sự giúp bạn đi nhanh hơn và vững chắc hơn trên con đường sự nghiệp lập trình viên thì đừng ngần ngại “đầu tư”. Khoản đầu tư đó, nếu “có lời”, sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho sự nghiệp của bạn.

Mà ở đây, Lucas nhắc lại lần nữa, cái lợi nhuận đáng xem xét nhất là cái lợi nhuận về mặt thời gian.

Thay cho lời kết

Nhìn lại chặng đường mình đã đi và nhìn vào những bạn trẻ đang bước chân vào ngành, Lucas càng thấy rõ vai trò của mentor là không thể phủ nhận, đặc biệt với những người mới.

Tầm quan trọng không thể phủ nhận của Mentor

Có một người mentor hướng dẫn giống như có một tấm bản đồ và la bàn khi đi vào khu rừng lạ. Họ không đi thay bạn, nhưng họ giúp bạn biết mình đang ở đâu, nên đi về hướng nào và làm thế nào để vượt qua các chướng ngại vật.

Lời khuyên chân thành: Hãy tìm cho mình một Mentor!

Nếu bạn là lập trình viên mới vào nghề và đang cảm thấy bỡ ngỡ, lạc lối, hoặc chỉ đơn giản là muốn tăng tốc sự phát triển của mình, đừng ngại ngần. Hãy chủ động tìm kiếm cho mình một người mentor phù hợp. Bắt đầu từ những mối quan hệ xung quanh bạn, tham gia cộng đồng, và đừng ngại ngỏ lời.

Bước đi trên con đường nghề lập trình viên là một hành trình đầy thử thách. Hãy kiên trì, đam mê, và tin tưởng vào khả năng biến bản thân trở thành một cỗ máy biết sáng tạo bạn nhé! Và nếu có một người mentor đồng hành, hành trình đó sẽ trở nên dễ dàng và ý nghĩa hơn rất nhiều.

Để lại phản hồi

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *